Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Kết hôn trái pháp luật thì bị xử lý như thế nào?

Tình trạng nam nữ kết hôn trái pháp luật hiện nay vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương. Chính vì vậy, câu hỏi Kết hôn trái pháp luật thì bị xử lý như thế nào? được rất nhiều người quan tâm. Vậy kết hôn trái pháp luật là gì? Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định như thế nào về việc giải quyết kết hôn trái pháp luật? Cùng tìm hiểu nhé!

Kết hôn trái pháp luật thì bị xử lý như thế nào?

Kết hôn trái pháp luật thì bị xử lý như thế nào?

Căn cứ xác định kết hôn trái pháp luật?

Việc kết hôn trái pháp luật được pháp luật quy định rất rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 3 Luật này quy định, kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn.

Như vậy, có thể hiểu kết hôn trái pháp luật là việc hai bên nam, nữ thực hiện đúng quy định kết hôn của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký kết hôn, một bên hoặc cả hai bên không tuân thủ một trong các điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Ví dụ như một số điều kiện như: độ tuổi kết hôn, cản trở kết hôn, có dấu hiệu cưỡng ép kết hôn…

Việc xác định là kết hôn trái pháp luật sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hình thức xử phạt phù hợp. Trong trường hợp hai bên nam nữ vi phạm điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn. Hoặc trường hợp nam nữ đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền đều là các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kết hôn nhưng không được tính là kết hôn trái pháp luật.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật trong từng trường hợp

Đáp ứng điều kiện kết hôn sau khi khi kết hôn trái luật

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp tại thời điểm kết hôn hai bên không có đủ điều kiện nhưng sau đó đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn thì sẽ xử lý theo hướng như sau:

  • Nếu một trong hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
  • Nếu hai bên cùng đề nghị công nhận quan hệ hôn nhân thì việc kết hôn trái pháp luật sẽ không bị hủy, hai bên sẽ được công nhận quan hệ hôn nhân từ thời điểm đủ điều kiện;
  • Nếu một bên hoặc cả hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn và bên còn lại công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Không đủ điều kiện kết hôn sau khi đăng ký kết hôn trái pháp luật

Trong trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn trái pháp luật nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ điều kiện thì sẽ xử lý theo hướng như sau:

  • Nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án sẽ quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật của cả hai;
  • Nếu một bên hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;

Theo hướng xử lý này có thể thấy, quy định của pháp luật là tính đến thời điểm Tòa án giải quyết, nếu cả hai bên vẫn không đủ điều kiện để kết hôn thì dù ý chí của các bên có chấp nhận quan hệ hôn nhân hay không cũng đều bị hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Cũng theo nguyên tắc này, Tòa án chỉ giải quyết việc kết hôn trái pháp luật của hai bên khi có đơn khởi kiện của các cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định là có quyền khởi kiện đối với việc kết hôn trái pháp luật.

Tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định các đối tượng có quyền yêu cầu khởi kiện, bao gồm:

  • Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn;
  • Vợ, chồng, cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Việc quy định đối tượng có quyền khởi kiện rất rộng, không chỉ bao gồm cá nhân, mà còn bao gồm các cơ quan, tổ chức nhằm hạn chế tình trạng che giấu hành vi vi phạm, góp phần phòng ngừa vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình và xã hội.

Hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật

Hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật

Hướng dẫn yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Người có quyền khởi kiện được quy định tại Điều 10 Luật HN&GĐ 2014 nếu muốn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật sẽ phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục theo quy định. Chi tiết về thủ tục yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết dưới đây.

>> Xem thêm: Thủ tục yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận hôn nhân gia đình

Trên đây là các quy định của pháp luật về việc kết hôn trái pháp luật, giúp bạn giải đáp thắc mắc “Kết hôn trái pháp luật thì bị xử lý như thế nào?”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Nếu còn thắc mắc hoặc cần tư vấn trực tiếp, quý khách vui lòng liên hệ với Luật Sư Tư Vấn Luật Dân Sự của Công ty Luật Long Phan PMT thông qua hotline 1900.63.63.87. Xin cảm ơn.

* Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.



July 30, 2021 at 07:57PM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét