Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Đưa Hối Lộ Có Bị Đi Tù Không?

Ngày nay, không một ai trong xã hội thấy xa lạ với cụm từ “đưa hối lộ”, bởi nó là một vấn nạn của xã hội, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng hiện nay. Có thể nói đây là tội phạm có tình hình diễn biến phức tạp, khó bị phát hiện bởi hành vi đưa hối lộ càng ngày càng được thực hiện tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy theo quy định của Bộ luật hình sự, người đưa hối lộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Quy định của BLHS
Theo quy định hiện hành, đưa hối lộ là hành vi của một người trực tiếp hoặc qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc tổ chức khác bất kỳ tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS). Theo đó:
Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  • Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  • Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Có tổ chức;
Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Cấu thành tội phạm
Khách thể: tội đưa hối lộ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức vì hành vi của người đưa hối lộ đã làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn.
Mặt khách quan: tội đưa hối lộ có cả cấu thành hình thức lẫn cấu thành vật chất. 
Tội phạm có cấu thành hình thức nếu của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên, hoặc dưới hai triệu nhưng vi phạm nhiều lần. 
Tội phạm có cấu thành vật chất nếu của hối lộ dưới hai triệu đồng và gây ra thiệt hại đáng kể.
Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở việc trực tiếp hoặc qua trung gian đưa của hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Của hối lội có thể là tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất khác. Của hối lộ phải từ hai triệu trở lên, nếu dưới hai triệu thì hành vi đưa hối lộ phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.
Trong một số trường hợp khác, người phạm tội đưa hối lộ còn có thể phạm các tội khác và trong những trường hợp đó, người phạm tội đưa hối lộ sẽ bị định tội theo nguyên tắc phạm nhiều tội. Ví dụ người phạm tội hối lộ đưa hối lộ cho cán bộ, công chức thuế để thực hiện hành vi trốn thuế thì có thể sẽ bị truy cứu thêm tội trốn thuế nếu thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội này.
Chủ thể: chủ thể của tội phạm là người đủ tuổi chịu TNHS theo Điều 14 BLHS và không rơi vào các trường hợp mất năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật này, là chủ thể đặc biệt có chức vụ quyền hạn trong bộ máy công quyền hoặc trong những tổ chức khác.
Mặt chủ quan: tội phạm thực hiện với lỗi cố ý.
Hình phạt
BLHS hiện hành quy định hình phạt đối với Tội đưa hối lộ bao gồm: phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù. Tùy thuộc vào tính chất của hành vi và giá trị của tài sản hối lộ, có bốn khung hình phạt tù khác nhau được quy định từ khoản 1 đến khoản 4 trong đó khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm tù. Ngoài ra, tại khoản 7, BLHS cũng quy định chính sách khoan hồng đối với người đưa hối lộ trong trường hợp những người này chủ động khai báo trước khi bị phát giác.
Tội đưa hối lộ loại tội phạm có tác động xấu đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm biến dạng xử sự của những người có chức vụ, quyền hạn, cho nên để đấu tranh phòng chống nạn đưa hối lộ hiện nay, có thể thấy chế tài của Nhà nước đối với loại tội phạm này rất nghiêm khắc. Người phạm tội có bị phạt tù lên đến 20 năm nếu phạm tội với tính chất nghiêm trọng.
Trên đây là bài viết về Đưa hối lộ có bị đi tù không. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, xin hãy liên hệ Luật sư Đỗ Thanh Lâm, Hotline 0908 748 368 để được tư vấn miễn phí.



Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cha Mẹ Có Được Quyền Bán Tài Sản Riêng Của Con Chưa Thành Niên


Xã hội đang ngày một phát triển, các quan hệ dân sự đang ngày được mở rộng. Để thích nghi với sự phát triển của cuộc sống, của các mối quan hệ trong xã hội, pháp luật nước ta đang ngày một hoàn thiện hơn các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân. Nước ta cũng chú trọng hơn trong xây dựng quyền về sở hữu tài sản, một trong những quyền ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin cung cấp những thông tin liên quan đến quyền sở hữu tài sản của con chưa thành niên và cụ thể về việc cha, mẹ có được quyền bán tài sản riêng của con chưa thành niên.
 Tài sản riêng của con chưa thành niên


Theo quy định của Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Việc người chưa thành niên có tài sản riêng là hoàn toàn phù hợp với Điều 75 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
  • Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con là tài sản riêng của con.
  • Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu cần thiết của gia đình khi có thu nhập.

Như vậy con chưa thành niên có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng có thể xuất phát từ việc được hưởng thừa kế, được tặng cho, thu nhập từ quá trình lao động của con hay từ các khoản thu nhập hợp pháp khác,...
Quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên
Vì nằm trong độ tuổi còn trẻ, người chưa thành niên chưa thể tự quản lý tốt tài sản của mình nên pháp luật nước ta đã có những quy định nhằm giúp cho người chưa thành niên quản lý khối tài sản riêng của mình một cách hiệu quả nhất. Cụ thể Điều 76 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
  • Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
  • Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ không được quản lý tài sản riêng của con:
  • Con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại thừa kế theo di chúc cho con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
  • Cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên mà con được giao cho người giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.



Giám hộ ở đây được hiểu theo quy định của Điều 46 BLDS 2015 là cá nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Người chưa thành niên không còn cha mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; có cha, mẹ nhưng cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha mẹ điều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và yêu cầu người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên trong các trường hợp này là anh, chị ruột; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột tùy theo từng trường hợp cụ thể tại điều 52 BLDS 2015. Khi không xác định được người giám hộ đương nhiên thì UBND xã nơi cư trú của trẻ chưa thành niên sẽ chỉ định người giám hộ.
Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên



Cha mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên có quyền định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên tùy theo từng độ tuổi, tùy vào từng trường hợp quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Như vậy việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên phải vì mục đích chăm sóc, chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên.
Trên đây là toàn bộ tư vấn pháp lý về việc cha, mẹ có được quyền bán tài sản riêng của con chưa thành niên hay không. Nếu còn nội dung thắc mắc hoặc chưa rõ xin hãy liên hệ ngay đến đến Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua hotline 0908748368 để được tư vấn miễn phí.




Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Nhận Thừa Kế Nhà Phải Nộp Thuế Thế Nào?


Khi được hưởng tài sản thừa kế đối với đối tượng tài sản thừa kế là nhà, hầu hết mọi người đều quan tâm đến giá trị của căn nhà, ai được hưởng thừa kế, chia tài sản thừa kế như thế nào. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng và cần thiết, là một phần quan trọng trong việc hoàn tất thủ tục nhận thừa kế là người nhận thừa kế nhà có phải nộp thuế không và nộp thuế như thế nào?
Nhận thừa kế nhà phải nộp thuế
Thứ nhất, theo Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể là nhà thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Trừ thu nhập từ nhận thừa kế là nhà đối với các chủ thể nhận thừa kế là đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Thứ hai, theo Điều 2, Điều 3 Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định thì tổ chức, cá nhân có tài sản là nhà (tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ) phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc diện miễn lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhận thừa kế nhà không phải nộp thuế
Thứ nhất, căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định một trong những trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân là:

Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
Thứ hai, căn cứ theo khoản 10 Điều 9 Thông tư 301/2016/TT-BTC quy định về một trong những trường hợp được miễn lệ phí trước bạ là:
Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Căn cứ theo quy định của pháp luật cho thấy, trong trường hợp chủ thể để thừa kế và nhận thừa kế nhà là những chủ thể trên thì được miễn các loại thuế và lệ phí. Ngoài những trường hợp trên vẫn sẽ chịu thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp nhận thừa kế nhà phải nộp thuế
Như vậy, người nào được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp được miễn thuế thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC Cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định giá trị để tính thuế.
Việc xác định thu nhập tính thuế đối với các loại tài sản nhận thừa kế, quà tặng phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường tại thời điểm phát sinh thu nhập, trong đó:
Phần trị giá nhà gắn liền với đất được xác định theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, về định mức xây dựng cơ bản; giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
Thứ hai, xác định thuế suất.
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thừa kế, quà tặng được áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.
Thứ ba, thời điểm xác định thu nhập tính thuế.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ thừa kế, quà tặng là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thừa kế, quà tặng.
Thứ tư, cách tính số thuế phải nộp.
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%.
Cách tính lệ phí trước bạ trong trường hợp nhận thừa kế nhà phải nộp thuế
Người nhận thừa kế nhà phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP và Thông tư 301/TT-BTC. Cụ thể như sau:
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%). Trong đó:
  • Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
  • Mức thu lệ phí trước bạ là 0.5%.


Trên đây là những quy định liên quan đến nhận thừa kế nhà phải nộp thuế thuế nào. Như vậy, không phải trường hợp nào nhận thừa kế nhà cũng đều phải nộp thuế, pháp luật đã quy định rõ đối tượng nào sẽ được miễn thuế. Trong trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay vấn đề chưa rõ, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline: 0908 748 368 để được hỗ trợ và tư vấn.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Điều Kiện Để Hoãn Kê Biên Tài Sản Thi Hành Án Là Gì?


Khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức, cá nhân được thi hành án có thể làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự thi hành án. Tuy nhiên, để đảm bảo vụ việc được xem xét cẩn trọng, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân thì trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án dân sự được quyền ra quyết định hoãn thi hành án dân sự, một trong số đó là hoãn kê biên tài sản thi hành án. Vậy, điều kiện để hoãn kê biên tài sản thi hành án là gì?


Thi hành án là gì?


Khi các cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế, bên thắng kiện phải yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được gọi là thi hành án.

Những bản án, quyết định dân sự được thi hành 


Theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì những bản án, quyết định sau được thi hành:
  • Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
  • Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
  • Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
  • Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
  • Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
  • Quyết định của Trọng tài thương mại.

Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
  • Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều kiện để hoãn kê biên tài sản thi hành án

Theo quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì căn cứ hoãn thi hành án dân sự cần được phân biệt bởi hai trường hợp như sau:


Trường hợp thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như:
  • Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
  • Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
  • Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
  • Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;
  • Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự;
  • Người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản nhưng không đến nhận;
  • Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
  • Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án.

Luật không quy định thời hạn hoãn đối với quyết định hoãn của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong những trường hợp này.
Trường hợp thứ hai: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.
Đối với trường hợp này Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn:
Về thời điểm tiếp nhận yêu cầu chia làm hai mốc cụ thể:
  • Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế;
  • Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp này được hiểu là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn hoặc không.

Về số lần yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhấn dân cấp cao và Viện kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Về thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.
Trên đây là bài viết về vấn đề “Điều kiện để hoãn kê biên tài sản thi hành án là gì?
Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật qua Hotline: 0908748368.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Nhà Thiệt Hại Khi Thu Hồi Đất Có Được Bồi Thường Không?


Khi Nhà nước thu hồi đất, dù là vì mục đích gì đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại cho người sử dụng đất. Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất cần phải hợp lý, sao cho hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và của người dân. Do đó, ngoài tiền bồi thường về đất thì một vấn đề khác được đặt ra rằng: Có hay không được bồi thường về nhà và công trình khác gắn liền với đất? Vậy, nhà thiệt hại khi thu hồi đất có được bồi thường không? Xin mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Nhà thiệt hại khi thu hồi đất có được bồi thường không?

Khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài tiền bồi thường về đất thì còn được bồi thường về nhà và công trình khác gắn liền với đất. Số tiền bồi thường nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất có thể bằng giá trị xây mới hoặc theo mức độ thiệt hại khi tháo dỡ theo quy định tại Điều 89 Luật Đất đai 2013.

Tiền đền bù nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân

Theo Điều 89 Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước thu hồi đất, tiền bồi thường về nhà ở và công trình khác gắn liền với đất được tính theo từng trường hợp cụ thể:
Thứ nhất, bồi thường về nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt:
Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ sở hữu sẽ được bồi thường bằng giá trị xây mới nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương khi:
  • Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt khác gắn liền với đất;
  • Hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Bồi thường theo thiệt hại thực tế với phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Thứ hai, bồi thường về nhà, công trình khác không phục vụ sinh hoạt:
Theo Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP nhà, công trình xây dựng khác khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường theo mức độ thiệt hại:
Trường hợp 1: Khi tháo dỡ toàn bộ hoặc phần còn lại không đảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật
Trường hợp này tiền đền bù tính như sau:
Mức bồi thường = Giá trị hiện có của nhà ở, công trình bị thiệt hại + Khoản tiền tính bằng tỷ lệ % theo giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại.
Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng tỷ lệ % chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo công thức sau:
Tgt=G1-(G1/T)*T1
Trong đó:
  • Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;
  • G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương;
  • T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;
  • T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.
Khoản tiền tính bằng tỷ lệ % theo giá trị hiện có của nhà, công trình do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới.
Trường hợp 2: Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình (phần còn lại không sử dụng được có thể do diện tích nhỏ quá hoặc không phù hợp với thực tế sử dụng).
Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, những vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.
Trường hợp 3: Nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì UBND cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Thứ ba, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội: Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp trên thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới.

Tiền bồi thường nhà thuộc sở hữu Nhà nước

Theo Điều 14 Nghị định 47/2014/NĐ-CP người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì được bồi thường như sau:
Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, thì người đang thuê nhà:

  • Không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép,

  • Được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp;

  • Mức bồi thường do UBND từng tỉnh quy định.
Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị phá dỡ thì người đang sử dụng được:

  • Thuê nhà ở tại nơi tái định cư; giá thuê nhà bằng với giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; nhà thuê tại nơi tái định cư được Nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định của Chính phủ về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê;

  • Trường hợp đặc biệt không có nhà tái định cư để bố trí thì được hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới; mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê.
Như vây, khi nhà nước thu hồi đất mà có gây ra thiệt hại về nhà cửa đối với người sử dụng đất đang sinh sống trên đất, người sử dụng đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường về nhà cửa thì sẽ được nhà nước bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật qua Hotline: 0908 748 368.