Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cha Mẹ Có Được Quyền Bán Tài Sản Riêng Của Con Chưa Thành Niên


Xã hội đang ngày một phát triển, các quan hệ dân sự đang ngày được mở rộng. Để thích nghi với sự phát triển của cuộc sống, của các mối quan hệ trong xã hội, pháp luật nước ta đang ngày một hoàn thiện hơn các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân. Nước ta cũng chú trọng hơn trong xây dựng quyền về sở hữu tài sản, một trong những quyền ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin cung cấp những thông tin liên quan đến quyền sở hữu tài sản của con chưa thành niên và cụ thể về việc cha, mẹ có được quyền bán tài sản riêng của con chưa thành niên.
 Tài sản riêng của con chưa thành niên


Theo quy định của Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Việc người chưa thành niên có tài sản riêng là hoàn toàn phù hợp với Điều 75 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
  • Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con là tài sản riêng của con.
  • Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu cần thiết của gia đình khi có thu nhập.

Như vậy con chưa thành niên có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng có thể xuất phát từ việc được hưởng thừa kế, được tặng cho, thu nhập từ quá trình lao động của con hay từ các khoản thu nhập hợp pháp khác,...
Quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên
Vì nằm trong độ tuổi còn trẻ, người chưa thành niên chưa thể tự quản lý tốt tài sản của mình nên pháp luật nước ta đã có những quy định nhằm giúp cho người chưa thành niên quản lý khối tài sản riêng của mình một cách hiệu quả nhất. Cụ thể Điều 76 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
  • Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
  • Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ không được quản lý tài sản riêng của con:
  • Con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại thừa kế theo di chúc cho con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
  • Cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên mà con được giao cho người giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.



Giám hộ ở đây được hiểu theo quy định của Điều 46 BLDS 2015 là cá nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Người chưa thành niên không còn cha mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; có cha, mẹ nhưng cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha mẹ điều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và yêu cầu người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên trong các trường hợp này là anh, chị ruột; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột tùy theo từng trường hợp cụ thể tại điều 52 BLDS 2015. Khi không xác định được người giám hộ đương nhiên thì UBND xã nơi cư trú của trẻ chưa thành niên sẽ chỉ định người giám hộ.
Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên



Cha mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên có quyền định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên tùy theo từng độ tuổi, tùy vào từng trường hợp quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Như vậy việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên phải vì mục đích chăm sóc, chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên.
Trên đây là toàn bộ tư vấn pháp lý về việc cha, mẹ có được quyền bán tài sản riêng của con chưa thành niên hay không. Nếu còn nội dung thắc mắc hoặc chưa rõ xin hãy liên hệ ngay đến đến Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua hotline 0908748368 để được tư vấn miễn phí.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét