Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Con Không Cấp Dưỡng Cho Cha Mẹ Già Yếu Có Phạm Tội Không?

Hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ của mỗi người con. Tuy nhiên trên thực tế không phải người con nào cũng thực hiện nghĩa vụ trên. Trong một số trường hợp, họ xem việc cấp dưỡng cho cha mẹ đã già yếu mang lại gánh nặng cho bản thân và từ đó họ bỏ mặc cha mẹ của mình. Những hành vi này đã đi ngược lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt. Vì thế mà pháp luật đã quy định cụ thể nghĩa vụ cấp dưỡng của con cái đối với cha mẹ trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Vậy nếu con cái không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ già yếu thì có phạm tội không?

Nghĩa vụ cấp dưỡng của con cái đối với cha mẹ

Theo Điều 111 Luật Hôn nhân gia đình 2014, Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Và theo Điều 107 Luật này thì đây là nghĩa vụ không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Mức cấp dưỡng được Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:

  • Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong trường hợp nhiều người con cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ thì thực hiện theo quy định tại Điều 109 Luật Hôn nhân gia đình. Đó là những người con thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Những nội dung trên trong Luật Hôn nhân gia đình chỉ bao gồm những quy định về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Vậy đâu là chế tài đối với việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ này? Hãy cùng tìm hiểu quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Quy định của pháp luật hình sự

Điều 186 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định về Tội từ chối hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Xét cấu thành tội phạm của tội trên:

Khách thể: Tội từ chối hoặc tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng xâm phạm đến quyền bảo đảm cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hằng ngày.

Mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng đòi hỏi phải có hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà bản thân họ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể đó là hành vi của người theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho người khác nhưng đã khước từ, không chịu chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng.

Mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đòi hỏi phải có hành vi cố tình tìm cách lảng tránh trách nhiệm cấp dưỡng cho người khác mà theo quy định của pháp luật phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hành vi này có thể là hứa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không thực hiện mặc dù có đủ điều kiện kinh tế, cố tình lánh mặt khi người được cấp dưỡng cần gặp mặt,…

Hậu quả của hành vi này làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm ngoài việc đáp ứng hai điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 14 và không rơi vào tình trạng không có năng lực TNHS theo Điều 21 BLHS thì phải là những người thành niên có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Xét về hình phạt: Người phạm tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, nếu con cái (đã đáp ứng điều kiện về mặt chủ thể) từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cấu thành tội tương ứng khi gây ra hậu quả nghiêm làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.

Quy định của pháp luật hành chính

Khi con cái có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha mẹ già yếu mà những hành vi này chưa đáp ứng được những dấu hiệu được quy định tại mặt khách quan của các tội tương ứng thì sẽ áp dụng những quy định của pháp luật hành chính để xử phạt hành chính.

Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình quy định như sau Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 
  • Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật. 
  • Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Từ quy định trên, khi con cái từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trên đây là bài viết về Con không cấp dưỡng cho cha mẹ già yếu có phạm tội không. Trong trường hợp còn vướng mắc, xin hãy liên hệ Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua Hotline 0974885 368 để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ kịp thời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét