Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

Khi Nào Chủ Sở Hữu Có Quyền Đòi Lại Tài Sản Từ Người Thứ Ba Ngay Tình?

Người thứ ba ngay tình được pháp luật hiện nay cho nhiều chế định để bảo vệ. Vậy thế nào là người thứ ba ngay tình và khi nào chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình? Để làm rõ hơn những thắc mắc của quý khách, chúng tôi xin cung cấp những thông tin liên quan đến chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình.


Thế nào là người thứ ba ngay tình?

Người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự thì pháp luật Dân sự không định nghĩa cụ thể thế nào người thứ ba ngay tình nhưng có thể hiểu người thứ ba ngay tình là người tại thời điểm tham gia giao dịch dân sự người này không có cơ sở để biết việc giao dịch của mình với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu do tại thời điểm khi tham gia vào giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình hoàn toàn tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền giao dịch và đối tượng tài sản giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực, từ đó cho thấy người ngay tình hoàn toàn không có lỗi khi tham gia vào giao dịch.

Khi nào chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình?

Để làm rõ khi nào chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình thì trước tiên chúng tôi xin làm rõ những chế định liên quan đến người thứ ba ngay tình theo pháp luật Dân sự Viêt Nam: 

Đầu tiên, về việc chiếm hữu có căn cứ pháp luật, theo Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Sau đây gọi tắt là BLDS 2015), thì chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong nhưng trường hợp sau:
  • Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
  • Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
  • Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao địch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
  • Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đấm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Thứ hai, về chiếm hữu ngay tình, theo Điều 180 BLDS 2015 thì chiếm hữu ngay tình là Việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để chứng minh rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu. Vậy pháp luật yêu cầu người chiếm hữu phải chứng mình được rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu, thì mới là chiếm hữu ngay tình.

Vậy người ngay tình là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Tức là ngừơi đó chiếm hữu tài sản mà không biết, không thế biết việc đó là không có căn cứ pháp luật như trường hợp người mua phải của gian mà không biết không thể biết đó là của gian.

Việc đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình

Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 133 BLDS 2015 thì chủ sở hữu không được đòi tài sản không được đăng kí từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch với ngừơi thứ ba đã được xác lập. Tuy nhiên, theo Điều 167 BLDS 2015 thì chủ sở hữu vẫn được đòi lại động sản không được đăng ký trong trường hợp người ngay tình có được tài sản thông qua hợp đồng không đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp là hợp đồng đền bù thì chủ sở hữu được đòi lại động sản nếu động sản đó bị cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý trí của chủ sở hữu.

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, thì chủ sở hữu không được đòi tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu sau khi đăng ký tài sản đó được chuyển bằng giao dịch cho người thứ ba ngay tình mà người đó căn cứ vào đăng ký để xác lập giao dịch và giao dịch của người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải được đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch của người thứ ba vô hiệu. Trừ trường hợp người này nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị sửa, hủy.

Thứ ba, theo khoản 3 Điều 133 BLDS 2015, trong trường hợp chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình thì có thể kiện, yêu cầu chủ thể dẫn lối đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba bồi thường và hoàn trả lại những chi phí hợp lý. Việc này nhầm lấy lại phần nào đó quyền lợi cho chủ sỡ hữu.

Như vậy, chủ sở hữu thật sự có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu thuộc các trường hợp trên.

Trên đây là tòan bộ tư vấn về vấn đề khi nào chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu có bất cứ thắc mắc hay chưa rõ về vấn đề trên, xin liên hệ ngay đến đến Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua hotline 097 558 368 để được tư vấn miễn phí.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Hết Thời Hạn Xét Xử Vụ Án Hành Chính Mà Vụ Án Không Được Xét Xử Thì Phải Làm Gì?

Trên thực tế các vụ án hành chính diễn ra khá phổ biến và thông thường, người khởi kiện vụ án hành chính là người chịu nhiều thiệt thòi hơn bởi tính chất của vụ án hành chính là khởi kiện những quyết định, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước. Do vậy mà Luật Tố tụng hành chính đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Vậy giả sử khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử hành chính mà vụ án không được xét xử thì phải làm gì?
Khi nào thì hết thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính? 

Theo Điều 130 Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC 2015) quy định: Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

  • 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 LTTHC 2015. Cụ thể là đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
  • 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 116 LTTHC 2015. Cụ thể là đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và không quá 01 tháng đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, ngoài những thời hạn được quy định ở trên thì được xem là hết thời hạn chuẩn bị xét xử.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Theo Điều 131 LTTHC 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử như sau:
  • Lập hồ sơ vụ án.
  • Yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ, văn bản ghi ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện cho Tòa án; yêu cầu người khởi kiện nộp bản sao tài liệu, chứng cứ để Tòa án gửi cho đương sự.
  • Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này.
  • Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật này; trừ vụ án theo thủ tục rút gọn và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri.
  • Ra một trong các quyết định: (I)Đưa vụ án ra xét xử; (II)Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; (III)Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử
Khi thời hạn xét xử đã hết mà vụ án đang trong một trong những trường hợp sau thì được xem là hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà không được xét xử:

Trường hợp 1: Vụ án đã được Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết.

Đối chiếu với quy định của pháp luật thì Tòa án chỉ được quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 141, Điều 143 LTTHC 2015. Và quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, trong trường hợp này, đương sự có quyền kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp 2: Hết thời hạn giải quyết mà Thẩm phán không có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trong trường hợp này, đương sự có thể làm đơn yêu cầu giải quyết vụ án hoặc làm đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 327, Khoản 1 Điều 332 LTTHC 2015.
Lưu ý:
  • Thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc hành vi không đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. (Điều 330 LTTHC 2015).
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. (Điều 333 LTTHC 2015).
Ngoài ra, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 333 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Trên đây là những quy định của pháp luật về việc hết thời hạn chuẩn bị xét xử hành chính mà vụ án không được xét xử thì phải làm gì. Trong trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay có vấn đề gì chưa rõ, xin vui lòng liên hệ ngay với Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua Hotline: 0974 885 368 để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí. Xin chân thành cảm ơn!

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Đã Có Phán Quyết Trọng Tài Thì Có Quyền Khởi Kiện Tiếp Không?

Trong cuộc sống và đặc biệt là trong các hoạt động kinh doanh thương mại, tranh chấp thường xuyên xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên có quyền lựa chọn các phương án giải quyết khác nhau như thỏa thuận, hòa giải, giải quyết bằng Trọng tài hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà lựa chọn các phương án khác nhau để đạt được kết quả tốt nhất. Vậy, khi đã có phán quyết Trọng tài thì một bên có quyền khởi kiện tiếp không?
Khi nào thì một vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài?
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Trong đó, thoả thuận trọng tài theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau đây:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Các bên có quyền khởi kiện tiếp không khi đã có phán quyết Trọng tài? 
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm. Mặc dù vậy, các bên vẫn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp khi đã có phán quyết Trọng tài trong trường hợp đặc biệt.
Cần phải khẳng định một điều rằng phán quyết của Trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Kể cả trong trường hợp chưa có phán quyết Trọng tài thì Toà án cũng phải từ chối thụ lý trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Theo đó thỏa thuận Trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 là thỏa thuận thuộc một trong những trường hợp sau đây:
  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
  • Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP là thỏa thuận thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp. 
  • Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế. 
  • Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế. 
  • Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế. 
  • Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, phán quyết Trọng tài luôn có một khoảng thời hạn nhất định để thi hành phán quyết. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại 2010, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. 
Do đó, khi có đủ căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài và Tòa án xem xét tiến hành các thủ tục để hủy phán quyết Trọng tài, sau khi Quyết định hủy phán quyết Trọng tài có hiệu lực thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật  Trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM), được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP thì căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài là:
  • Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu như đã trình bày ở trên.
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án.
  • Trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.
  • Phán quyết Trọng tài vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Nhìn chung khi các bên đã thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại thì nên tôn trọng phán quyết của Trọng tài. Trong trường hợp quá thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì sẽ không thể yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài. Và chỉ khi phán quyết Trọng tài bị Tòa án tuyên hủy thì các bên mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Đã có phán quyết Trọng tài thì có quyền khởi kiện tiếp không?”. Nếu có thắc mắc hoặc muốn tư vấn trực tiếp,  các bạn vui lòng liên hệ Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua hotline 0974 885 368, để được tư vấn miễn phí.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Tranh Chấp Nuôi Con Khi Không Đăng Ký Kết Hôn Giải Quyết Như Thế Nào?

Mối quan hệ cha, mẹ, con phát sinh dựa vào sự kiện sinh đẻ, sự kiện nuôi dưỡng, sự kiện sống chung. Đối với sự kiện sinh đẻ, mối quan hệ này phát sinh khi giữa cha, mẹ đã đăng kí kết hôn hoặc ngay cả khi giữa họ không tồn tại quan hệ hôn nhân. Con được sinh ra mà giữa cha, mẹ không đăng kí kết hôn thì vẫn được hưởng những quyền lợi và được nhà nước, pháp luật bảo vệ. Vậy khi không đăng kí kết hôn mà giữa họ có con chung và xảy ra tranh chấp về quyền giành nuôi con thì sẽ giải quyết như thế nào?
Những vấn đề pháp lý khi không đăng ký kết hôn
Tại Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) quy định:

  • Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
  • Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Về địa vị pháp lý, giữa nam và nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn thì được xem là chung sống như vợ chồng.
Như vậy, khi nam và nữ chung sống với nhau nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì khi có tranh chấp xảy ra và có yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tuyên không công nhận quan hệ vợ chồng giữa họ.
Thêm vào đó, về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong quan hệ hôn nhân phải giải quyết ba vấn đề lớn: quan hệ hôn nhân, tài sản và con cái. Những vấn đề này cũng được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 14 Luật HN&GĐ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật HN&GĐ về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. (Điều 15 Luật HN&GĐ)
Thứ ba, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. (Điều 16 Luật HN&GĐ).
Pháp luật giải quyết về tranh chấp nuôi con như thế nào?
Căn cứ theo Điều 81 Luật HN&GĐ quy định quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục con của cha mẹ như sau:
Về đối tượng: là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Về việc xác định quyền nuôi con:
  • Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì:
  • Đối với con dưới 36 tháng tuổi, mẹ trực tiếp nuôi (trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi con)
  • Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (như thu nhập, nơi ở, sức khỏe, môi trường sống, thời giờ làm việc, tình cảm đối với con, ... ).
  • Trong trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con. Việc xem xét này chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính quyết định trong việc ai trực tiếp nuôi con.
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ khi không trực tiếp nuôi con
Căn cứ theo Điều 82 Luật HN&GĐ quy định thì:
  • Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  • Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
  • Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Nhìn chung, pháp luật quy định về giải quyết tranh chấp nuôi con ngay cả khi không đăng ký kết hôn hay đã đăng ký kết hôn đều nhằm vào mục đích đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho con được phát triển đầy đủ và toàn vẹn nhất. 
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề tranh chấp nuôi con khi không đăng ký kết hôn giải quyết như thế nào. Trong trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay có vấn đề gì chưa rõ. Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0908 748 368 để được tư vấn miễn phí. Xin chân thành cảm ơn!