Khi nào thì một vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài?
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Trong đó, thoả thuận trọng tài theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau đây:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Các bên có quyền khởi kiện tiếp không khi đã có phán quyết Trọng tài?
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm. Mặc dù vậy, các bên vẫn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp khi đã có phán quyết Trọng tài trong trường hợp đặc biệt.
Cần phải khẳng định một điều rằng phán quyết của Trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Kể cả trong trường hợp chưa có phán quyết Trọng tài thì Toà án cũng phải từ chối thụ lý trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Theo đó thỏa thuận Trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 là thỏa thuận thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010;
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP là thỏa thuận thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
- Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
- Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, phán quyết Trọng tài luôn có một khoảng thời hạn nhất định để thi hành phán quyết. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại 2010, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.
Do đó, khi có đủ căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài và Tòa án xem xét tiến hành các thủ tục để hủy phán quyết Trọng tài, sau khi Quyết định hủy phán quyết Trọng tài có hiệu lực thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM), được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP thì căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài là:
- Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu như đã trình bày ở trên.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án.
- Trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.
- Phán quyết Trọng tài vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Nhìn chung khi các bên đã thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại thì nên tôn trọng phán quyết của Trọng tài. Trong trường hợp quá thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì sẽ không thể yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài. Và chỉ khi phán quyết Trọng tài bị Tòa án tuyên hủy thì các bên mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Đã có phán quyết Trọng tài thì có quyền khởi kiện tiếp không?”. Nếu có thắc mắc hoặc muốn tư vấn trực tiếp, các bạn vui lòng liên hệ Luật sư Đỗ Thanh Lâm qua hotline 0974 885 368, để được tư vấn miễn phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét