Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Hướng dẫn cách xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi khởi kiện ly hôn

Khi vợ chồng ly hôn thì vấn đề con cái ai là người nuôi dưỡng bắt buộc phải được xem xét ai là người nuôi dưỡng. Theo đó mức cấp dưỡng nuôi con khi khởi kiện ly hôn được quy định như thế nào? Công ty Luật Long Phan PMT sẽ tư vấn qua bài viết sau.

cach xac dinh muc cap duong nuoi con khi ly hon
Xác định mức trợ cấp nuôi con khi ly hôn

1. Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Như vậy, có thể hiểu cấp dưỡng nuôi con là việc cha hoặc mẹ có nghĩa vụ đóng góp tiền bạc, tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con khi không sống chung trong trường hợp con là người chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ, do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

  • Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng, thì Tòa án cần giải thích quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
  • Trường hợp Tòa án xét thấy việc không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng thì Tòa án không bắt buộc bên còn lại phải cấp dưỡng nuôi con.

Theo quy định tại Điều 87 Luật hôn nhân gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là bắt buộc đối với cha, mẹ, kể cả khi cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

 2. Căn cứ xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

can cu xac dinh muc cap duong
Cách xác định mức trợ cấp nuôi con

Tiền cấp dưỡng nuôi con được Theo mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán quy định tiền cấp dưỡng nuôi con : “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý…”.

  • Khi quyết định mức tiền trợ cấp nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người trợ cấp, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người trợ cấp.
  • Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.
  • Tòa án căn cứ vào độ tuổi của người con được trợ cấp để xác định mức cấp dưỡng cho con.
  • Tòa án cũng căn cứ vào điều kiện sống của người con, mức cấp dưỡng không có sự thay đổi quá lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của con.

3. Mức cấp dưỡng

Tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể như sau:

  • Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo quy định trên, mức trợ cấp cho con sau ly hôn được xác định theo một trong hai cách như sau:

Do hai bên thỏa thuận

Hai bên vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về số tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Việc thỏa thuận mức trợ cấp phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người thực hiện cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con.

Do Tòa án xác định

Trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án xác định mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn. Tòa án cũng sẽ dựa trên thu nhập lao động thực tế của người thực hiện cấp dưỡng và xác minh nhu cầu của con để xác định mức cấp dưỡng.

Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn có thể được thay đổi khi có lý do chính đáng. Các bên có thể thỏa thuận về việc thay đổi mức cấp dưỡng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì các bên yêu cầu Tòa giải quyết. 

Phương thức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Phương thức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án xem xét điều kiện của người có nghĩa vụ trợ cấp để quyết định phương thức cấp dưỡng nuôi con cho phù hợp.

Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì các bên thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng và tạm ngừng cấp dưỡng. Nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

khoi kien tai toa an yeu cau duoc cap duong
Tòa án xét xử yêu cầu cấp dưỡng nuôi con

Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn bao gồm :

  • Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
  • Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;
  • Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
  • Quyết định/ Bản án ly hôn;
  • Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng;
  • Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.

Căn cứ Các Điều 28, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì xác định thẩm quyền nhận đơn khởi kiện như sau:

  • Cấp dưỡng được xác định là một tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
  • Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình trong trường hợp này của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn.

 Một bên vợ hoặc chồng nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, nếu hồ sơ hợp lệ và vụ việc thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án thụ lí và giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về nội dung trên, trường hợp bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu được tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.

Bài viết nói về: Hướng dẫn cách xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi khởi kiện ly hôn
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



February 16, 2020 at 07:00AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét