Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Thủ tục ly hôn khi có bằng chứng ngoại tình

Thủ tục ly hôn khi có bằng chứng ngoại tình là thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình mà không thể hàn gắn được thì vợ, chồng có thể khởi kiện vụ án yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Đây là sự việc khá phổ biến hiện nay trong mối quan hệ vợ chồng, là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ của nhiều gia đình.

Bang chung ngoai tinh de ly hon
Phát hiện chồng ngoại tình gây rạn tình cảm, gia đình tan vỡ

Đơn phương ly hôn được quy định như thế nào ?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Hiện tại theo quy định của pháp luật Việt Nam có 2 hình thức để giải quyết ly hôn:

  • Thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014;
  • Ly hôn theo yêu cầu của một bên theo quy định tại Điều 56 của Luật này.

Theo quy định tại Điều 56 LHNGĐ 2014:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình gây ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ chồng và không thể hàn gắn, chung sống hạnh phúc thì có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên là khi một bên nộp đơn xin đơn phương ly hôn và yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về những vấn đề như phân chia tài sản chung của vợ chồng, quyền nuôi con chung, nợ chung…

Thủ tục ly hôn đơn phương được thực hiện như việc khởi kiện một vụ án dân sự thông thường, được điều chỉnh bởi quy định của BLTTDS 2015.

Bằng chứng ngoại tình có ý nghĩa gì trong việc giải quyết ly hôn ?

Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 6 BLTTDS 2015.

Nguoi co loi se khong duoc bao ve
Nội dung đơn trình bày rõ nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn là do một bên ngoại tình

Nguồn của chứng cứ theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015 bao gồm:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  • Vật chứng.
  • Lời khai của đương sự.
  • Lời khai của người làm chứng.
  • Kết luận giám định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  • Văn bản công chứng, chứng thực.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Bằng chứng ngoại tình có thể được thể hiện bằng hình bằng, băng ghi hình hoặc những hình thức khác thể hiện cho hành vi đó và sử dụng những chứng cứ đó để nộp cho tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc chứng minh lỗi của một bên dẫn đến việc ly hôn rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn theo quy định của pháp luật.

Khi phân chia tài sản chung của vợ chồng, tòa án sẽ căn cứ dựa trên những yếu tố quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2015 như sau:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Yếu tố lỗi là của các bên trong việc dẫn đến hôn nhân đổ vỡ là một căn cứ quan trọng để tòa án phân chia tài sản chung của 2 vợ chồng. Vợ hoặc chồng có bằng chứng chứng minh được người kia có hành vi ngoại tình dẫn hạnh phúc gia đình tan vỡ sẽ được tòa án xem xét bảo vệ quyền lợi khi phân chia tài sản chung khi giải quyết ly hôn.

Theo quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định:

  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
  • Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Trình tự thủ tục ly hôn khi một bên ngoại tình

Hồ sơ để thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn cần chuẩn bị như sau:

Hinh anh chong ngoai tinh la bang chung
Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn do chồng ngoại tình với người khác
  • Đơn xin ly hôn đơn phương
  • Giấy đăng ký kết hôn (Bản chính)
  • Hộ khẩu (Bản sao)
  • Bản sao chứng minh nhân dân của vợ và chồng
  • Bản sao giấy khai sinh của con chung (nếu có con)
  • Các giấy tờ chứng minh về tài sản và quyền nuôi con

Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015 thì ly hôn theo yêu cầu của một bên khi phát hiện người kia ngoại tình sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà người bị kiện cư trú.

Người có yêu cầu ly hôn làm đơn khởi kiện nộp cho tòa án Cấp huyện nơi người bị kiện cư trú để tòa án có thẩm quyền giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật.

Mẫu đơn ly hôn được viết với nội dung quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015

Trình tự khởi kiện như sau:

  1. Nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn và kèm theo đơn khởi kiện là photo những chứng cứ ngoại tình và những giấy tờ chứng minh cho quan hệ hôn nhân, tài sản của 2 vợ chồng;
  2. Tòa án xem xét và thụ lý vụ án để giải quyết;
  3. Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn;
  4. Tòa án xét xử phúc thẩm nếu có đơn kháng cáo hoặc kháng nghị.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục ly hôn khi có bằng chứng ngoại tình để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa của bạn trong trường hợp này. Mọi thắc mắc xin liên hệ Hotline để được tư vấn cụ thể và chi tiết. Cảm ơn đã quan tâm theo dõi./.

Bài viết nói về: Thủ tục ly hôn khi có bằng chứng ngoại tình
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 27, 2020 at 10:00AM

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Hướng dẫn ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập

Ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập là cách thức giải quyết tốt nhất đối với người vợ, thoát khỏi sự chịu đựng và hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Khi thực hiện việc ly hôn phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm được giải pháp và thủ tục ly hôn.

ly hon khi bi chong danh dap
Hành vi bạo hành đánh đập vợ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng

Hậu quả của hành vi bạo hành đánh đập trong quan hệ hôn nhân

Bạo hành đánh đập là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong quan hệ hôn nhân, chủ thể thực hiện hành vi là người chồng có những hành động không đúng đắn đối với vợ của mình.

Hành vi này của người chồng được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: rượu chè, say xỉn về hành hạ vợ con, cuồng ghen, hoặc đôi khi cũng không cần lý do cũng thực hiện hành vi bạo hành đánh đập.

Bạo hành được thực hiện bằng lời nói (những từ ngữ, lời lẽ lăng mạ, chửi bới, sỉ nhục vợ) làm ảnh hưởng đến tinh thần hoặc hành động vũ phu (dùng tay chân đánh, đấp hoặc các dụng cụ khác như chổi, cây, vật nhọn,…) lên cơ thể của người vợ, xâm phạm đến sức khỏe nếu nghiêm trọng hơn là tính mạng.

Căn cứ (khoản 1 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013) hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình mà ở đây là bạo hành, đánh đập vợ sẽ bị phạt 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng và phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu việc đánh đập có thực hiện bằng phương tiện, công cụ hoặc vật nhọn khác gây thương tích cho vợ.  

Bạo hành đánh đập vợ không chỉ là hành vi xâm phạm đến sức tinh thần, sức khỏe mà quan trọng hơn là trong mối quan hệ hôn nhân thì tình cảm của vợ chồng bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, không thể chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà, hậu quả xấu nhất là ly hôn.

Quyền đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập

  • Căn cứ theo quy định tại (khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014) vợ, chồng hoặc cả hai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  • Hành vi bạo hành, đánh đập vợ là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án xem xét giải quyết ly hôn. Theo quy định tại (khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014), khi chồng có hành vi bạo lực gia đình thì người vợ có quyền yêu cầu ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên).
  • Đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập là hành vi đơn phương của người vợ, yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi chồng bạo hành đánh đập, khi không thể chịu đựng được những nỗi đau tinh thần, sức khỏe và tính mạng.

Trường hợp bị chồng lấy hết giấy tờ tùy thân

bi chong lay giay to tuy than
Xin trích lục lại các giấy tờ tùy thân tại cơ quan đăng ký hộ tịch nếu bị chồng giữ các loại giấy tờ

Trong trường hợp người vợ có yêu cầu ly hôn nhưng chồng không đồng ý và giữ hết giấy tờ tùy thân, không cho người nộp hồ sơ khởi kiện thì được giải quyết như sau:

  • Đối với sổ hộ khẩu: liên hệ với công an cấp phường, xã (nơi vợ, chồng cư trú) xin xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương.
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: xin trích lục bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch theo quy định tại (Điều 63 Luật hộ tịch 2014).
  • Giấy khai sinh: xin trích lục bản sao giấy khai sinh tại cơ quan đăng ký hộ tịch (nơi đăng ký khai sinh cho con trước đây) theo quy định của pháp luật.

Thủ tục ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập

ly hon khi bi chong bao hanh
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu khởi kiện ly hôn của người có yêu cầu

Thành phần hồ sơ

  • Đơn khởi kiện ly hôn (mẫu đơn xin ly hôn)
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
  • Chứng minh nhân dân, hộ chiếu
  • Sổ hộ khẩu
  • Giấy khai sinh (nếu có)
  • Các tài liệu, chứng cứ khác ( sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy tờ xe,…chứng minh tài sản chung)

Nội dung đơn ly hôn

Đơn khởi kiện ly hôn (đơn phương) phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại (Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Cụ thể nội dung đơn như sau:

  • Tên đơn: Đơn khởi kiện ly hôn
  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi bị đơn cư trú)
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện. Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị khởi kiện;
  • Trình bày nội dung khởi kiện (quan hệ hôn nhân, tài sản, quyền nuôi con).

Quan hệ hôn nhân: nêu rõ những hành vi bạo hành đánh đập của chồng đây là căn cứ chứng minh cho quyền khởi kiện của mình có căn cứ và hợp pháp.

Về tài sản: ghi thông tin tài sản chung, trị giá thực tế và đề nghị phân chia. Nếu không có tài sản chung thì không cần ghi.

Về con chung: trình bày thông tin về con chung. Nguyện vọng nuôi con. Yêu cầu cấp dưỡng.

  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (hình ảnh, video chồng bạo hành, đánh đập).

Trình tự thực hiện

  1. Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền (tòa án nơi chồng cư trú)
  2. Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án kiểm tra xử lý đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
  3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tòa thông báo tạm ứng án phí, người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án;
  4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí, Tòa phải ra thông báo thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  5. Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.
  6. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hòa giải không thành không thay đổi quyết định về việc ly hôn.Nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn. Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Thời hạn giải quyết vụ án ly hôn thông thường là từ 04 tháng – 06 tháng. Nếu vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài.

Trên đây là nội dung bài viết hướng dẫn thủ tục ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập. Nếu có thắc mắc về nội dung trên hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý về dịch vụ luật sư ly hôn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline bên dưới để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hướng dẫn ly hôn khi bị chồng bạo hành đánh đập
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 24, 2020 at 10:00AM

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú


Thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú được quy định tại Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp có con với người đã lập gia đình vẫn có thể tiến hành thủ tục khai sinh và để trống cột tên cha (tên mẹ). Qua bài viết này, chúng tôi hân hạnh được giới thiệu một số quy định pháp luật liên quan đến việc khai sinh cho con ngoài giá thú.

1.Thế nào là con ngoài giá thú

1.1.Định nghĩa

Con ngoài giá thú là con không sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp (thời điểm có Giấy chứng nhận kết hôn).




Con ngoài giá thú là con không sinh ra trong thời kỳ hôn nhân

1.2.Chứng minh

Chứng cứ, chứng minh quan hệ cha, mẹ và con được quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP, gồm có:

·       Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
·       Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và
·       Văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Đây cũng là những căn cứ để tiến hành khai sinh cho con sau này.

2.Thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú

2.1.Trình tự

Thủ tục thực hiện được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, theo đó:
Bước 1:  Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Bước 3: Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Bước 4: Nhận kết quả tại (bộ phận một cửa) Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Lưu ý:
·       Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh;
·       Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
·       Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
·       Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2.2. Giấy tờ cần có:

Hồ sơ làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú gồm:
·       Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
·       Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;
·       Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
·       Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; và
·       Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
·       Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.

Cơ sở pháp lý: Luật Hộ tịch 2014; Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 15/2015/TT-BTP,


2.3.Cách thay đổi, bổ sung thông tin trong giấy khai sinh

Trường hợp cần thay đổi thông tin con ngoài giá thú, thẩm quyền thay đổi, cải chính thông tin hộ tịch cho người dưới 14 tuổi thuộc về UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch (Điều 27 Luật Hộ tịch 2014)

Điều kiện của việc thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
·       Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.



Trường hợp thay đổi tên đệm, tên họ của con thì phải có sự đồng ý của cha mẹ

Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch (Điều 28 Luật Hộ tịch 2014)

Bước 1 : Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bước 2: Công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ trên.

·       Nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật thì ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
·       Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
·       Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Lưu ý:
·       Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Thủ tục bổ sung hộ tịch (Điều 29 Luật Hộ tịch 2014)

Bước 1: Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bước 2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
·       Trường hợp bổ sung vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.


3.Làm giấy khai sinh cho con với người đã có vợ (hoặc chồng) như thế nào?

Nếu “cha mẹ” chưa kết hôn hoặc có con với người đã có gia đình, khi khai sinh bỏ trống tên cha  thì khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Khi chưa đăng ký kết hôn mà muốn khai sinh cho con mang họ cha thì cần tiến hành làm đồng thời hai thủ tục:
·       Thủ tục nhận cha con (quy định tại Điều 44 Luật Hộ tịch 2014, Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
·       Thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
  

 Chưa đăng ký kết hôn mà muốn con có họ cha thì phải tiến hành thủ tục nhận con
Theo đó, người yêu cầu nhận con cần chuẩn bị
·       Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
·       Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha - con hoặc quan hệ mẹ - con;
·        Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

4.Xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai sinh:

Trong phạm vi 60 ngày kể từ ngày trẻ sinh, nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.
Nếu không thực hiện trong thời gian nêu trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, người nào có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi đối với việc khai sinh cho con ngoài giá thú. Trong trường hợp Quý khách hàng gặp vấn đề pháp lý liên quan đến việc khai sinh cho con, hãy liên hệ cho chúng tôi theo số hotline bên dưới để được hỗ trợ nhanh chóng. Đội ngũ luật sư của chúng tôi sẽ tận tâm trợ giúp Quý khách hàng.

Tham khảo thêm:



Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Hướng dẫn kiện đòi bồi thường thanh xuân và công sức nội trợ gia đình khi ly hôn

Đòi bồi thường thanh xuân và công sức nội trợ gia đình khi ly hôn được đặt ra khi quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng không thể tiếp tục được nữa. Về yêu cầu bồi thường tuổi thanh xuân thì hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Tuy nhiên về công sức nội trợ thì sẽ được xem xét khi chia tài sản chung, một trong hai bên tiến hành thủ tục khởi kiện để đòi lại quyền lợi của mình. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn thủ tục khởi kiện liên quan đến trường hợp này.

thoa thuan ve boi thuong thanh xuan
Chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc bồi thường tuổi thanh xuân

Thủ tục giải quyết ly hôn

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm:

  • Vợ, chồng hoặc cả hai người;
  • Cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên vợ chồng không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây ra.

Chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nhưng nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người vợ có quyền được yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng có thể chấm dứt nếu hai bên cùng thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của một bên, có hai hình thức ly hôn là:

  • Ly hôn thuận tình và
  • Một bên gửi yêu cầu đơn phương ly hôn.

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm.

Ly hôn có được bồi thường công sức và tuổi thanh xuân không?

Bồi thường tuổi thanh xuân

Pháp luật hôn nhân gia đình quy định kết hôn là tự do, tự nguyện nên việc nên việc cho rằng do lấy chồng hay lấy vợ dẫn đến tổn thất về tuổi thanh xuân thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc bồi thường công sức nội trợ và tuổi thanh xuân. Do đó, đây là vấn đề thoả thuận của hai bên mà không có tính chất bắt buộc.

Về mặt nguyên tắc, nếu được xác định là một khoản tiền bồi thường thì phải xác định được mức độ thiệt hại và hành vi trái pháp luật đã dẫn đến thiệt hại đó. Vì thế phải có đầy đủ các căn cứ này thì mới chứng minh được tổn thất tuổi thanh xuân, lúc đó mới có cơ sở yêu cầu tòa án giải quyết.

Công sức nội trợ trong gia đình

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi đặc biệt của phụ nữ do việc ly hôn phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn, khó khăn trong việc tạo lập cuộc sống mới nên khi giải quyết ly hôn tòa án sẽ tính toán đến công sức đóng góp, nội trợ, duy trì cuộc sống hôn nhân để chia tài sản chung của vợ chồng.

Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn (Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).

Vậy dù bạn ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn có công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Do đó khi ly hôn thì bạn vẫn có thể được chia tài sản chung.

cong suc noi tro trong gia dinh
Công sức nội trợ được xem xét khi chia tài sản chung

Hướng dẫn kiện đòi bồi thường công sức nội trợ khi ly hôn

Hiện nay, chưa có văn bản cụ thể nào quy định việc “đòi bồi thường thanh xuân sau ly hôn” nên không có căn cứ và cơ sở pháp luật để giải quyết. Bên cạnh đó pháp luật cũng không có quy định về trường hợp khi ly hôn người chồng phải có nghĩa vụ bồi thường cho người vợ.

Tuy nhiên, khi ly hôn mà hai bên có thỏa thuận về mức bồi thường tuổi thanh xuân thì tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và chấp nhận tính hợp pháp của thỏa thuận này.

Xét về kiện đòi bồi thường công sức nội trợ khi ly hôn, để đảm bảo quyền lợi của các bên trong việc tạo lập cuộc sống mới khi giải quyết ly hôn tòa án sẽ tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân, lỗi của các bên để giải quyết.

Theo đó, khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, bạn có thể cung cấp những chứng cứ chứng minh như: bên kia không chung thủy, không quan tâm chăm sóc con,… và kèm theo yêu cầu bồi thường công sức nội trợ của mình.

Hoặc cung cấp các chứng cứ chứng minh bạn là người có công sức đóng góp nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ chồng để yêu cầu tòa xem xét, quyết định phân chia tài sản chung, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của bạn và các con của mình.

Hồ sơ ly hôn

Thông thường, cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu);
  • Giấy đăng ký kết hôn (bản chính)/ Giấy đăng ký kết hôn (bản sao, kèm đơn tường trình thất lạc bản chính);
  • Giấy khai sinh của các con (bản sao, chứng thực);
  • Giấy chứng minh thư nhân dân (bản sao, chứng thực);
  • Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú (bản sao, chứng thực);
  • Giấy tờ chứng minh về tài sản nếu có tranh chấp về tài sản (bản sao, chứng thực);
  • Tài liệu chứng minh công sức đóng góp trong hôn nhân, thiệt hại về tinh thần, thanh xuân,….

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Tòa án có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn là Tòa án nhân dân cấp quận/huyện đối với ly hôn trong nước.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố đối với ly hôn có yếu tố ngoài hoặc ly hôn với người nước ngoài.

Trình tự giải quyết ly hôn

  1. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, giấy tờ cần thiết;
  2. Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền và nhận Giấy hẹn;
  3. Nhận kết quả (Thông báo đóng tiền tạm ứng án phí) theo giấy hẹn của Tòa Án;
  4. Đóng tạm ứng án phí tại cơ quan Thi hành án dân sự;
  5. Nộp biên lai tạm ứng án phí lại cho Tòa án, chờ Tòa án phân công thẩm phán giải quyết.
  6. Đợi Tòa án triệu tập lên giải quyết (làm bản tự khai, tường trình, hòa giải, tham gia xét xử…)

Trên thực tế, khoản tiền đền bù để bù đắp tổn thất về tinh thần thường được toà án công nhận trong bản án, quyết định của toà khi hai bên đã tự tiến hành thoả thuận. Khi khoản tiền này đã được quyết định rõ trong bản án của toà thì các bên có trách nhiệm bắt buộc thực hiện.

thoa thuan boi thuong thanh xuan va cong suc noi tro
Hai bên có thể thỏa thuận về bồi thường công sức và thanh xuân

Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục đòi bồi thường tổn thất thanh xuân và kiện đòi bồi thường công sức nội trợ. Quý bạn đọc nếu có nhu cầu được tư vấn bởi luật sư ly hôn, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hướng dẫn kiện đòi bồi thường thanh xuân và công sức nội trợ gia đình khi ly hôn
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 19, 2020 at 07:00AM

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Nhà cha mẹ cho đã sửa chữa, cải tạo lại ly hôn phân chia thế nào?

Nhà cha mẹ cho đã sửa chữa, cải tạo lại thì khi vợ chồng ly hôn phân chia dựa vào công sức đóng góp của các bên. Đây là tranh chấp nhà đất cha mẹ cho khi ly hôn. Trước hết cần phải xác định nhà mà bố mẹ đã cho là tài sản của vợ chồng hay chưa, đã được sang tên để thành tài sản chung hay bố mẹ chỉ cho một trong các bên là vợ hoặc chồng. Bài viết dưới đât sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.

phan chia nha khi ly hon
Phân chia tài sản theo nguyên tắc tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình

Nguyên tắc phân chia tài sản là bất động sản khi ly hôn

Để có thể phân chia nhà đất khi ly hôn hay các tài sản khác thì điều trước tiên cần xác định được đâu là tài sản nhà đất chung, đâu là riêng của vợ hoặc chồng, chung của vợ chồng với người khác, di sản thừa kế riêng của vợ chồng, hay chỉ là đang quản lý mà không thuộc sở hữu của mình.

Nhà ở hay đất đều được xác định là tài sản vì vậy để phân chia tài sản là bất động sản khi ly hôn cần nắm rõ nguyên tắc về giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

  • Khi ly hôn chỉ những tài sản chung vợ chồng mới được phân chia, các tài sản riêng xác lập trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân nhưng đã có thỏa phân chia quyền sở hữu riêng thì sẽ không phải là tài sản chung có quyền phân chia.
  • Pháp luật tôn trọng quyền thỏa thuận chia tài sản của các bên, trong trường hợp tài sản các bên không thống nhất phân chia thì tòa án mới giải quyết theo quy định pháp luật chia tài sản khi ly hôn.

Vấn đề chia nhà khi ly hôn cũng thuộc chế tài quy định về chia tài sản khi ly hôn nói chung. Đối với tài sản là nhà không gắn liền với đất như nhà chung cư hay tài sản chung là nhà ở xây dựng trên quyền sử dụng đất là tài sản riêng của một bên, hoặc người khác được quy định khi ly hôn chia đôi nhà theo nguyên tắc giải quyết tài sản ly hôn tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Ngoài ra pháp luật chia tài sản là nhà ở ly hôn cũng quy định đến quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn tại Điều 63 như sau:

  • Quyền lưu cư cho vợ hoặc chồng khi chia nhà sau khi ly hôn tức là ly hôn vẫn ở chung nhà có thời hạn không quá 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt theo quy định của pháp luật nếu như các bên không có thỏa thuận khác.
  • Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung trong thời kỳ hôn nhân thì luật chia tài sản nhà ở ly hôn vẫn xác nhận quyền sở hữu riêng của người đó. Nhưng khi vợ/chồng có khó khăn về chỗ ở thì có quyền lưu trú sau khi chia nhà ly hôn theo thời hạn quy định.

Tài sản được bố mẹ tặng cho khi ly hôn giải quyết thế nào?

Nếu bố mẹ đã sang tên hoàn toàn số nhà đất đó cho cả hai vợ chồng và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đứng tên hai vợ chồng bạn thì đây được coi là tài sản chung.

Nếu bố mẹ chưa lập hợp đồng tặng cho, chưa sang tên cho hai vợ chồng thì tài sản đó vẫn thuộc quyền định đoạt của bố mẹ . Trường hợp này tài sản đó không được coi là tài sản chung của vợ chồng nên sẽ không được chia tài sản khi ly hôn.

Nếu bố mẹ lập hợp đồng tặng cho hoặc thực hiện thủ tục sang tên chỉ sang cho một mình chồng hoặc vợ thì đó được coi là tài sản mà chồng hoặc vợ được tặng cho riêng. Trường hợp này tài sản đó không được coi là tài sản chung của vợ chồng nên sẽ không được chia tài sản khi ly hôn.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình chung sống, bạn có bỏ công sức khởi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc sắm sửa đồ dùng gia đình thì bạn có quyền yêu cầu được bù đắp tương ứng với phần công sức mà bạn đã bỏ ra trong thời gian đã chung sống.

tai san duoc cho la chung hay rieng
Cần xem xét tài sản bố mẹ tặng cho là tài sản chung hay riêng của vợ chồng

Nhà cha mẹ cho đã sữa chữa, cải tạo lại thì ly hôn phân chia thế nào?

Nếu căn nhà, đất đai vợ chồng bạn được bố mẹ tặng cho chung hoặc tặng cho một bên nhưng vợ chồng thoả thuận là tài sản chung thì căn nhà được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Việc chia tài sản sau ly hôn do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Theo Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cần căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình để phân chia tài sản:

  • Nếu thuộc trường hợp bố mẹ chưa sang tên cho hai vợ chồng hoặc bố mẹ thực hiện thủ tục sang tên chỉ sang cho một mình chồng hoặc vợ thì tài sản đó không được coi là tài sản chung của vợ chồng nên sẽ không được chia tài sản khi ly hôn.
  • Tuy nhiên, nếu trong quá trình chung sống, bạn có bỏ công sức cải tạo, sửa chữa lại căn nhà mà bố mẹ đã cho thì bạn có quyền yêu cầu được bù đắp tương ứng với phần công sức mà bạn đã bỏ ra trong thời gian đã chung sống.

Việc phân chia nhà ở khi ly hôn cần xác định cách thức phân chia tài sản là hiện vật hay theo giá trị tài sản và nhu cầu sử dụng thực sự của các bên sau ly hôn nhằm đảm vệ quyền lợi chính đáng của các bên đương sự khi ly hôn.

  • Cần chú ý đến nguyên tắc bảo vệ phụ nữ đang nuôi con chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có thể tự lao động và không có tài sản riêng để nuôi sống mình.
  • Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
cach phan chia tai san khi ly hon
Phân chia tài sản dựa vào công sức đóng góp của các bên

Như vậy, nếu như vợ chồng bạn ly hôn thì về ngôi nhà là tài sản do vợ chồng bạn cùng cải tạo, sửa chữa thì bạn sẽ được chia một phần tương ứng với công sức đóng góp của mình.

Trên đây là bài viết tư vấn về việc nhà bố mẹ cho đã bỏ công sức cải tạo sửa chữa thì khi ly hôn phân chia như thế nào. Quý bạn đọc nếu có nhu cầu cần luật sư ly hôn hoặc tư vấn pháp lý khi có tranh chấp đất đai, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được hỗ trợ. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Nhà cha mẹ cho đã sửa chữa, cải tạo lại ly hôn phân chia thế nào?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 18, 2020 at 01:00PM

Tòa lấy ý kiến con trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn mấy lần?

Tòa lấy ý kiến con trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn là một thủ tục được luật quy định, khi con đủ 7 tuổi phải xem xét nguyện vọng của con về việc muốn sống với ai. Khi ly hôn, ngoài việc chia tài sản thì giành quyền nuôi con là một việc rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

xem xet nguyen vong co tren 7 tuoi
Thủ tục lấy ý kiến con trên 7 tuổi để trẻ em được trình bày tâm tư, nguyện vọng

Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn

Khi cuộc sống hôn nhân của vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt và không thể kéo dài thì vợ chồng có thể tìm cách giải thoát cho nhau bằng cách ly hôn (Đơn phương ly hôn hoặc ly hôn thuận tình). Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi con trong các trường hợp:

  • Con chưa thành niên
  • Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự nuôi chính mình.

Về nguyên tắc giải quyết quyền nuôi con sau khi ly hôn căn cứ vào khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rằng:

  • Vợ chồng được quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền hạn của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
  • Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con.

Quyền nuôi con khi con đủ 7 tuổi trở lên

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (về thủ tục giải quyết vụ án ly hôn); Theo Điều 55 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (về thuận tình ly hôn) và Khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (về việc xét nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn):

  • Để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 7 tuổi trở lên;
  • Phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em.
  • Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Khi con đủ 7 tuổi để Tòa án xem xét nguyện vọng của con thì con cần viết đơn trình bày nguyện vọng đó của con cho Tòa án, để Tòa án xem xét và giải quyết nguyện vọng đó.

Việc lấy ý kiến của con cái là cần thiết vì khi cha mẹ ly hôn, các em đã mất đi một điểm tựa quan trọng nhất là mái ấm gia đình nên rất cần hỏi ý kiến để các em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Thực tế cho thấy đa phần các Tòa án lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên bằng văn bản (bản khai, tự khai viết tay, hoặc đánh máy) có chữ ký hoặc điểm chỉ của con và cha mẹ. Tại địa phương đã thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên, việc lấy ý kiến của con thực hiện tại Phòng trẻ em của Tòa chuyên trách này trước khi xét xử vụ việc.

Con không đồng ý về ở thì có giành quyền nuôi con được không?

tham khao nguyen vong cua con
Việc lấy ý kiến của con mang tính tham khảo

Trên thực tế, ý kiến của con thường mang tính định hướng, tham khảo, là một phần để Tòa án xem xét đi đến quyết định, không có ý nghĩa hoàn toàn quyết định. Luật chỉ quy định “xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi”, tức trong quá trình phán quyết ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán sẽ hỏi ý kiến của con để dựa vào căn cứ này và một số các điều kiện khác mới xác định ai có quyền nuôi con.

Việc quyết định ai có quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chỗ ở, thu nhập, thời gian chăm sóc con… của mỗi bên, nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con.

Nếu con không đồng ý về ở thì vẫn có thể có quyền giành nuôi con nếu chứng minh được cho Tòa thấy mình có khả năng nuôi con tốt hơn, đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt của con. Một số điều kiện giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn có thể kể đến như:

  • Phải chứng minh thu nhập hàng tháng, có tài sản, nơi ở ổn định… để tạo điều kiện cho con sinh hoạt, học tập, vui chơi…
  • Chứng minh được có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con;
  • Chứng minh luôn có đầy đủ tư cách đạo đức để nuôi dạy con;
  • Chứng minh đối phương không đủ điều kiện để giành quyền nuôi con, như: Thường xuyên có hành vi bạo lực, Không dành thời gian chăm sóc con, Không có thu nhập ổn định…

Tòa lấy ý kiến con trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn mấy lần?

Khi vợ, chồng không thỏa thuận được việc trực tiếp nuôi con thì điều này sẽ do Tòa án quyết định, Thẩm phán phụ trách phiên tòa giải quyết ly hôn là người có thẩm quyền lấy ý kiến trẻ từ đủ 07 tuổi về việc muốn sống với bố hay mẹ.

  • Việc lấy ý kiến của trẻ phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của trẻ;
  • Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ;
  • Phải đảm bảo giữ bí mật cá nhân của trẻ. (Khoản 2 Điều 208 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định);
  • Phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em; đồng thời, căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của trẻ để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Thủ tục lấy ý kiến của con trẻ là bắt buộc trong giải quyết án ly hôn được quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Để xác định lấy ý kiến của con được thực hiện mấy lần, cần xét các trường hợp như:

  • Việc lấy ý kiến được thực hiện tại trụ sở Tòa án trước khi xét xử vụ việc ly hôn. Có Tòa án yêu cầu cha mẹ hướng dẫn con viết Bản tự khai (thể hiện nguyện vọng của con, có chữ ký hoặc điểm chỉ của con và cha, mẹ) ngoài trụ sở Tòa án.
  • Cũng có trường hợp, Tòa án lấy ý kiến của con bằng văn bản trước đó, sau đó, theo yêu cầu của một bên đương sự, Tòa tiếp tục triệu tập con để xét lại nguyện vọng của con ngay tại phiên tòa hoặc có trường hợp Hội đồng xét xử trực tiếp liên lạc với trẻ qua điện thoại để xác định lại ý nguyện của con.

Lưu ý:

Người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có thể bị thay đổi theo quyết định của Toà án nếu có yêu cầu của cha, mẹ hoặc người thân thích, tổ chức khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
  • Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
  • Khi thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Trường hợp các bậc cha mẹ không hợp tác, không đưa con cái tới để tòa lấy ý kiến của các em vì không muốn cho con cái biết họ ly hôn, sợ các em bị tổn thương về tâm lý. Gặp tình huống này, tòa vẫn phải tiếp tục giải quyết án bởi nếu tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết án dân sự với lý do không có nguyện vọng của con trẻ là không đúng. Bởi trong vụ án ly hôn, con trẻ không có tư cách tham gia tố tụng.

phai lay y kien con tren 7 tuoi
Lấy ý kiến của con trên 7 tuổi là một thủ tục bắt buộc

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về việc lấy ý kiến của con trên 7 tuổi khi ly hôn. Quý bạn đọc nếu có nhu cầu được tư vấn pháp lý liên quan đến mẫu đơn ly hôn hoặc dịch vụ luật sư ly hôn, luật sư ly hôn,  xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Tòa lấy ý kiến con trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn mấy lần?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 18, 2020 at 07:00AM

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Tư vấn thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn


Ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế người dân còn khá bối rối khi xác định tình trạng hôn nhân của mình cũng như thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận. Để gỡ bỏ các thắc mắc liên quan đến vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi thông tin tư vấn dưới đây.




Thủ tục ly hôn khi mất giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện như thế nào?

1. Thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn

1.1. Ly hôn khi mất giấy chứng nhận kết hôn

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc kết hôn đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Để giải quyết việc ly hôn trước hết phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây để nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn,  Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:
·       Tờ khai theo mẫu quy định
·       Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây hoặc bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thủ tục làm lại giấy đăng ký kết hôn được tiến hành như sau:
·       Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh hồ sơ.
·       Trường hợp hồ sơ đăng ký lại kết hôn đã đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký lại kết hôn.
·       Trường hợp đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây sẽ xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
·       Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
·       Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.
·       Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch.
Sau khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, vợ chồng tiến hành nộp đơn xin ly hôn gửi lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

1.2. Ly hôn khi bị một bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Khi bị một bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bên còn lại vẫn có quyền ly hôn đơn phương theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình. Đối với bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị giữ, bên còn lại có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đăng kí kết hôn để xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Nộp hồ sơ ly hôn kèm bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn và nêu rõ lý do không có giấy đăng ký kết hôn bản chính trong đơn ly hôn.

Mẫu giấy chứng nhận kết hôn bản chính

2. Ly hôn khi vợ chồng chưa đăng ký kết hôn

2.1. Trường hợp hôn nhân thực tế

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
Trường hợp hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn thì áp dụng quy định tại điểm a Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn tại Điểm c mục 2 Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên, cụ thể:
·       Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn;
·       Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000
Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế). Việc ly hôn của những trường hợp hôn nhân thực tế sẽ được giải quyết như vụ việc ly hôn có đăng ký kết hôn bình thường. Vợ chồng tiến hành ly hôn thuận tình hoặc đơn phương theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình

2.2. Trường hợp sống chung từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến nay mà không có đăng ký kết hôn

Căn cứ theo khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10, trường hợp này được quy định cụ thể như sau:
Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001:
·       Nếu các bên có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003.
·       Trong thời hạn này mà không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết cho ly hôn.
Đối với trường hợp từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận vợ chồng. Trong trường hợp này, vợ chồng nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.

Giải quyết vấn đề tài sản và con cái khi không đăng ký kết hôn như thế nào?

3. Vấn đề tài sản và con cái khi không đăng ký kết hôn

Căn cứ theo Điều 14, 15,16, Điều 59  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
Đối với quyền lợi của con thì giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn, cụ thể vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc không chia tài sản riêng của vợ, chồng; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết với điều kiện có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên đồng thời ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ  và con.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn. Mọi ý kiến thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline để được luật sư tư vấn và giải đáp. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.
Có thể bạn quan tâm: