Bài đăng nổi bật

Các trường hợp thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Thực tế, vợ chồng có thể có các thỏa thuận tài sản trong thời kỳ hôn nhân , tuy nhiên không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật công ...

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Tư vấn thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn


Ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế người dân còn khá bối rối khi xác định tình trạng hôn nhân của mình cũng như thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận. Để gỡ bỏ các thắc mắc liên quan đến vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi thông tin tư vấn dưới đây.




Thủ tục ly hôn khi mất giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện như thế nào?

1. Thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn

1.1. Ly hôn khi mất giấy chứng nhận kết hôn

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc kết hôn đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Để giải quyết việc ly hôn trước hết phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây để nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn,  Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:
·       Tờ khai theo mẫu quy định
·       Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây hoặc bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thủ tục làm lại giấy đăng ký kết hôn được tiến hành như sau:
·       Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh hồ sơ.
·       Trường hợp hồ sơ đăng ký lại kết hôn đã đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký lại kết hôn.
·       Trường hợp đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây sẽ xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
·       Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
·       Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.
·       Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch.
Sau khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, vợ chồng tiến hành nộp đơn xin ly hôn gửi lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

1.2. Ly hôn khi bị một bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Khi bị một bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bên còn lại vẫn có quyền ly hôn đơn phương theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình. Đối với bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị giữ, bên còn lại có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đăng kí kết hôn để xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Nộp hồ sơ ly hôn kèm bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn và nêu rõ lý do không có giấy đăng ký kết hôn bản chính trong đơn ly hôn.

Mẫu giấy chứng nhận kết hôn bản chính

2. Ly hôn khi vợ chồng chưa đăng ký kết hôn

2.1. Trường hợp hôn nhân thực tế

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
Trường hợp hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn thì áp dụng quy định tại điểm a Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn tại Điểm c mục 2 Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên, cụ thể:
·       Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn;
·       Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000
Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế). Việc ly hôn của những trường hợp hôn nhân thực tế sẽ được giải quyết như vụ việc ly hôn có đăng ký kết hôn bình thường. Vợ chồng tiến hành ly hôn thuận tình hoặc đơn phương theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình

2.2. Trường hợp sống chung từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến nay mà không có đăng ký kết hôn

Căn cứ theo khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10, trường hợp này được quy định cụ thể như sau:
Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001:
·       Nếu các bên có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003.
·       Trong thời hạn này mà không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết cho ly hôn.
Đối với trường hợp từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận vợ chồng. Trong trường hợp này, vợ chồng nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.

Giải quyết vấn đề tài sản và con cái khi không đăng ký kết hôn như thế nào?

3. Vấn đề tài sản và con cái khi không đăng ký kết hôn

Căn cứ theo Điều 14, 15,16, Điều 59  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
Đối với quyền lợi của con thì giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn, cụ thể vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc không chia tài sản riêng của vợ, chồng; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết với điều kiện có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên đồng thời ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ  và con.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thủ tục ly hôn khi không có giấy chứng nhận kết hôn. Mọi ý kiến thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline để được luật sư tư vấn và giải đáp. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.
Có thể bạn quan tâm:








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét