Kết hôn là việc nam (đã đủ 20 tuổi) và nữ (đã đủ 18 tuổi) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn và không thuộc trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Sau khi kết hôn, vợ và chồng có các quyền và nghĩa vụ nhất định. Trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn. LY HÔN có thể xuất phát từ yêu cầu của một bên hoặc cả hai bên. Khi ly hôn rất dễ xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản, con cái, quyền nuôi con…. Vậy đối với trường hợp có phát sinh tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn thì phải giải quyết như thế nào?
Pháp luật Hôn nhân và gia đình về con chung của vợ chồng
Mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ không chỉ được thể hiện trong các quy phạm đạo đức, tôn giáo, xã hội,… mà còn được điều chỉnh cụ thể trong pháp luật. Về nguyên tắc, con chung của vợ chồng được xác định thông qua quan hệ huyết thống. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Từ quy định pháp luật nêu trên, có thể hiểu thực tế những trường hợp được xem là con chung của vợ chồng như sau:
- Con được sinh trong thời kỳ hôn nhân.
- Vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng sau khi ly hôn mới sinh con.
- Vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng sau khi người chồng chết mới phát hiện mình có thai và sinh con.
- Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn mà có con và thừa nhận đó là con chung.
Ngoài ra, Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng thừa nhận con được sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Không những vậy, đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi, người con vẫn được xem xét như con chung của vợ chồng theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi.
Trên thực tế, nhằm đảm bảo môi trường học tập và phát triển của người con, pháp luật luôn tạo điều kiện để xác định người con sống cùng cha mẹ hiện tại là con chung của vợ chồng này.
Tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ xã hội phức tạp vì có sự đan xen giữa yếu tố pháp lý và tình cảm. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố tình cảm. Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, quan hệ vợ chồng không tự nhiên chấm dứt, nếu muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng thì phải có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Đối với một vụ việc dân sự liên quan đến hôn nhân thường có 3 yêu cầu cần được giải quyết: Quan hệ hôn nhân, con cái và tài sản. Tương tự, khi có yêu cầu ly hôn, sẽ phát sinh 03 nhóm vấn đề: các bên có đồng ý ly hôn không, có tranh chấp gì về con cái, có tranh chấp về tài sản hay không. Nếu hai bên đều đồng ý ly hôn và không tranh chấp gì về con cái, tài sản chung thì yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Còn trong trường hợp có tranh chấp thì Tòa án sẽ giải quyết bằng một bản án có hiệu lực.
Đặc thù riêng đối với con cái, sau khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có những quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định tại Điều 58 dẫn chiếu đến Điều 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trong đó tập trung xoay quanh nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau khi ly hôn xuất phát từ tầm quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc các đối tượng yếu thế như trẻ em. Cụ thể, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Quyền nuôi con sau khi ly hôn cha mẹ có thể tự thỏa thuận tuy nhiên nếu cha mẹ không thể tự thỏa thuận thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con. Nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện kinh tế hoặc đã có thỏa thuận khác.
Điều kiện để được giành quyền nuôi con
Quyền nuôi con được xem xét dựa trên việc bảo vệ lợi ích và sự phát triển tốt nhất cho người con, có thể dựa trên các yếu tố như:
Điều kiện về kinh tế
Điều kiện kinh tế là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất trong những vụ việc tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn. Để nuôi dưỡng con cái tốt nhất thì người nuôi dưỡng cần có điều kiện kinh tế vững chắc để tạo điều kiện cho con cái phát triển tốt. Điều kiện kinh tế ở đây gồm: Thu nhập, nhà ở,…
Thời gian chăm sóc con cái
Dù một bên vợ/chồng có đủ điều kiện kinh tế nhưng không có thời gian chăm sóc con cái thì cũng sẽ bị bất lợi trong vụ việc giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn. Thời gian chăm sóc con cái là cần thiết và luôn được chú trọng đối với việc nuôi dạy, giáo dục trẻ để phát triển tốt nhất.
Cấp dưỡng cho con
Cấp dưỡng sẽ là một trong những quyền lợi của người trực tiếp nuôi con, người không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, người nuôi dưỡng có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu cấp dưỡng.
Các điều kiện và yếu tố khác
Trong quan hệ hôn nhân, các yếu tố như trong quá trình sinh sống giữa hai vợ chồng, ai dùng bạo lực gia đình, thời gian chăm sóc con cái, ai có lỗi dẫn đến ly hôn, nguyện vọng của con muốn chung sống với ai sau khi ly hôn,… đều là những yếu tố tác động đến quá trình giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn.
Thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
Căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, vấn đề tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này theo điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Thủ tục giải quyết tranh chấp tương tự với việc giải quyết các tranh chấp dân sự khác. Khi muốn giải quyết, một bên vợ chồng phải có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về việc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn của vợ chồng. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua Hotline 1900636387 để được gặp luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình đưa ra hướng giải quyết.
June 09, 2021 at 08:30AM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét